Part 2: Con gà.
Thời gian như thể thoi đưa. Mọi người vẫn còn sợ, vì khi rời đi, sư cụ A còn để lại 1 câu: Oán linh liên quan đến nó (chỉ vào cái sân nhà ngoại em) vẫn còn. Bẵng đi nửa năm không có chuyện gì, người dân lại quay về với cuộc sống thường nhật. Hồi đấy thú vui của dân quê đơn giản, đánh bài, nhậu nhẹt, đá gà. Nói đến đá gà thì nhà ông ngoại em chăn hẳn 3 con gà chọi của 3 cậu. Ông ngoại lớn tuổi rồi nên cũng biếng chẳng nuôi, nhưng cứ mỗi lần có kèo đá gà là lại chạy ra xem cho bằng được
Quê em phải nói là cực kỳ máu cái trò này. Chiều nào cũng hẹn nhau ra sân Gốt đá gà. Nói là sân cho oai, chứ thực ra nó chỉ là một cái gò nhỏ, tầm 50m2, khá bằng phẳng nên được dân làng chọn làm "võ đài thú".
Đá gà thì có thắng có thua. Nhưng dạo ấy, con gà của bác Tạo thắng liền 6 trận, được xưng danh là Kê Vương của làng, đi đấu với làng khác cũng toàn thắng, thậm chí đá với nhiều dòng có tiếng ở tỉnh như gà Gò Bồi, gà Phú Tài. Con gà lông đỏ chót, như lửa. Bác tạo gọi nó là phượng hoàng con, cưng nó còn hơn cả con ruột, đi đâu về câu đầu tiên cũng hỏi thằng cu trong nhà con gà đâu, mày có mắc mùng cho nó ngủ không...
Đầu năm 2000, vua đá gà Bảy Quéo ở An Nhơn qua chơi cũng khen tấm tắc con Kê Vương, ngỏ ý muốn mua lại giá 5tr nhưng bác Tạo kiên quyết không bán. Phải biết, ông Bảy Quéo là dân đá gà quốc tế nhé! Từng đi đá ở Thái, Lào, Tung Của... Nhiều kinh nghiệm nên con mắt của ông phải nói là tinh tường. Được vua đá gà khen đâu phải dễ! Đây lại là đòi mua lại, thì phải xem con gà này có thiên phú dị bẩm gì không đã...
***************
Con Kê Vương sau đợt ấy nổi tiếng hẳn, dân đá gà Bình Định lũ lượt kéo đến. Người thì xem, người thì thách đấu. Nhưng không con gà nào qua được nó. Đang đứng trên đỉnh cao huy hoàng thì đột nhiên, con Kê Vương bỗng mất tích. Bác Tạo khóc thảm lắm. Bác thương nó. Bác điên lên khi nghĩ là có người lén bắt. Bác nháo lên đi tìm, từ sáng sớm tới tối mịt mới về nhà với bộ dạng bơ phờ, ai nói cũng không nghe. Nhiều người sợ bác Tạo điên vì cú sock. Nhưng sau vài ngày tìm kiếm, lần đầu bác Tạo trở về với bộ dạng tươi tỉnh, bảo là con gà theo người ta rồi, đây là ý của nó chứ không phải bị bắt, nên mừng cho nó vì tìm được chủ tốt... nhưng hỏi chủ mới con Kê Vương là ai thì bác lại lắc đầu cười cợt: Thiên cơ bất khả lộ!
Kể cũng lạ, từ khi mất con gà, bác Tạo như gặp vận. Bác lên Quy Nhơn làm gỗ cho xí nghiệp gỗ Bông Hồng (Ghềnh Ráng) được một thời gian thì lên chủ nhiệm. Rồi bác mua cổ phiếu, làm cổ đông. Về quê đi ô tô nhé. Dân quê thì biết gì đâu, nghe nói cổ đông, thấy cái ô tô, thì cứ như là vua về làng. Bác Tạo xây nhà mới ở trên Quy Nhơn, bán cái nhà cũ. Ai cũng tấm tắc khen bác giỏi giang, người ghen ghét thì bảo vận tốt. Ầy, sao cũng được, dù sao thì cũng mừng cho bác.
Thế nhưng có lẽ đồng tiền đã làm thay đổi con người bác Tạo. Bác về quê thu mua đất đai với cái giá rẻ mạt. Ai có thắc mắc tại sao rẻ vậy thì bác chìa tờ giấy quy hoạch ra, thế là gom được một mảnh kha khá. Cũng chẳng ai tìm hiểu làm gì, dân quê chất phác lắm! Cùng làng cùng xóm với nhau, không ai nghĩ là bị lừa. Sau có người cùng quê, có cô con gái làm bên quy hoạch về chơi, mới tá hỏa! Người ta lũ lượt tới đòi gặp bác Tạo, nhưng kín cổng cao tường quá! Thậm chí thằng cu con bác còn xuỵt chó ra đuổi người làng. Nhiều nhà có con làm trên tỉnh muốn kiện, nhưng dân quê vốn hiền lành, niệm tình nghĩa, chẳng ai muốn làm cái chuyện dồn người về đường cùng ấy nên cũng thôi...
Được đâu 2 tháng, đột nhiên bác Tạo lù lù về làng. Bác đem tiền trả lại cho mọi người và xin làm cái lễ tạ lỗi. Đêm đấy, bác mới kể lại một số chuyện mà bác chưa bao giờ kể cho ai...
***************
Tất cả bắt đầu vào cái ngày định mệnh ấy. Cái ngày cuối cùng bác Tạo đổ đi tìm con Kê Vương. Những bụi tre, rặng trúc có thể tìm bác đã tìm cả rồi. Qua bến xe khách cũ (nay ko còn nữa) thì trời đã nhá nhem tối. Chỗ này bác đã tìm đi tìm lại mấy lần. Ngồi xuống nghỉ một lúc, chợt mắt bác Tạo sáng lên. Sợi lông gà đỏ bay lờ đờ về hướng Mã A Sầu như thắp lên chút hy vọng còn sót lại trong bác. Bác cuống cuồng đi theo nó đến một nơi mà ngay cả dân bản địa như bác Tạo còn chẳng biết là chốn nào. Bác chợt sững lại khi thấy bóng một người, trên tay ôm con gà màu đỏ. Bác nheo nheo mắt, chẳng thể nhìn rõ mặt mũi người này, nhưng qua dáng người thì bác đoán là nữ. Duy chỉ có con gà là bác nhận rõ. Bác muốn chạy tới giằng lại con Kê Vương nhưng cứ như có một sức mạnh vô hình ngăn bác lại. Con gà nhìn bác gáy o o vui mừng. Người kia ban đầu không để ý đến bác, nghe con gà gáy mới khựng lại, bước về phía bác, càng gần lại càng mờ ảo, cho đến khi tới sát mặt bác thì biến mất để lại tràng cười lanh lảnh ghê rợn...
Tất cả đều chỉ là mơ nếu sau khi tỉnh dậy tay bác tạo còn nắm chặt một sợi lông gà đỏ chót!
Cho là may mắn, bác về nhà, huy động tiền bạc, một tay lên Quy Nhơn làm ăn. Đúng thật, bác phất như diều gặp gió, cho đến khi làm cái chuyện kia...
Bắt đầu từ đêm bác nhận tiền từ bên kia. Ban đêm bác thường giật mình ôm đầu vì nghe tiếng hét vào tai. Sáng sớm là tiếng gà gáy vọng đâu đó. Hỏi người trong nhà thì không ai nghe thấy gì cả. Bác Tạo nghĩ rằng mình làm việc nhiều nên bị bệnh, đi khám thì bác sĩ bảo không thấy gì bất thường...
Sau đó mấy hôm, một đêm đang ngủ ở phòng khách (bác thường có thói quen ngủ ở phòng khách để xem đá bóng, không ảnh hưởng đến mọi người), bác Tạo chợt nghe tiếng bước chân đi từ trong nhà ra chỗ mình. Bác cố gắng mở mắt ra nhưng không được, tay chân cứ cứng đờ. Tiếng bước chân ngày càng gần hơn, cho đến khi bác Tạo cảm giác như người đó đứng cách mình không quá một thước. Đến đây tự dưng bác mở mắt được. Bác đứng tim khi thấy gương mặt của bác gái ghé sát mặt mình cười tà dị, từ từ mở miệng ra, quá cỡ của một con người... Phát ra âm thanh tựa như tiếng gà gáy sáng:
- Ò ó o o ...
Đến đây bác tạo giật mình dậy, mồ hôi như tắm. Sáng rồi. Bác hối bác gái ra chợ mua đồ về cúng. Tối hôm đó tuyệt không có gì xảy ra, bác mới yên tâm nghĩ đây chỉ là một cơn ác mộng...
Thế nhưng tối hôm sau, cơn ác mộng đó lại tới, lại càng chân thực hơn khi thấy cảnh một người phụ nữ đi cùng một người đàn ông đến trước mặt bác. Người phụ nữ mở miệng chì chiết bác Tạo, rằng là đồ vong ân phụ nghĩa, là đồ tán tận lương tâm. Chửi được một lúc, người đàn ông mở miệng gáy một tiếng, bác Tạo lại tỉnh. Lần này bác đã mơ hồ đoán được người đàn ông kia là ai. Nhưng nghĩ ngày xưa mình đối xử tốt với con Kê Vương, chả nhẽ nó hại mình? Thế nên bác quên bẵng đi. Cho đến tối hôm đó...
Bác tạo không còn dám ngủ một mình. Tối hôm đó bác rủ ông bạn gần nhà tới xem đá banh. Đang hay bỗng dưng cúp điện, bác Tạo móc cây nến để sẵn ở dưới gầm bàn phòng trường hợp cúp điện như thế này, đốt lên, thì không thấy ông bạn đâu cả. Nghĩ là ông mò đi toilet nên bác chỉ hỏi 1 câu, không thấy trả lời lại cũng không nghi ngờ gì. Tầm 5p sau, một bóng người mờ mờ từ trong nhà đi ra. Nghĩ là ông bạn nên bác tạo rót trà mời uống. Nhưng bóng người đó không trả lời mà cứ bước tới. Nghi là có chuyện, bác Tạo cầm ngay cây nến đưa thẳng về hướng người đó. Cây nến rơi xuống, bác Tạo ú ớ không thành tiếng! Trước mặt bác là một người phụ nữ tóc xõa, đồng tử co lại thành một điểm, miệng quắp lên như mỏ gà, mặc một bộ đồ trắng toát, cười man dại.
- Hé hé hé hé.....
Bác vùng ra khỏi nhà chạy. Chạy mãi vẫn thấy bóng người sau lưng. Vẫn tiếng cười man dại ấy...
-Hé hé hé hé.....
Bác cứ chạy, nhưng càng cố chạy thì cái tiếng cười đó càng gần. Chạy mãi... từ Quy Nhơn về đến Tam Quan, lại về Mã A Sầu. Lúc nãy bác có thể cảm nhận được hơi thở hôi hám phì phò vào tai mình. Tiếng cười càng lúc càng ghê rợn. Chợt bác Tạo vấp phải cái gì đó, té lăn mấy vòng. Ngẩng đầu lên thì thấy cái gương mặt ghê rợn ấy đang ké sát mặt. Bác Tạo hét lên nhưng không ra tiếng, liều mạng đấm đá túi bụi.
Kể đến đây ai cũng rùng mình. Chẳng ai nghĩ ra được vong này tại sao lại theo bác. Duy có ông Ba nhà ngoại em là nhắm mắt trầm tư. Đang lúc bác Tạo nghỉ lấy hơi, ông Ba chợt vỗ đùi đánh đét:
- Là nó, chính nó chứ không ai! Thủ phạm hại chết con 2 là nó!
Con 2 ở đây chỉ mợ 2 nhà em. Thấy cả làng không hiểu, ông Ba mới cắt nghĩa: Hồi đấy mợ 2 nhìn mợ cả cũng cái kiểu nhìn ấy, cũng con mắt ấy. Mợ 2 lại được chôn ở gần Mã A Sầu. Lúc mợ chết có rắn bò vào, tưởng sao, hóa ra kiếm mồi! Rắn thích nhất là thịt gà, thịt chuột. Ông Ba nghi đây là con gà mái thành tinh, theo cô 2 đến vùng Mã A Sầu, rồi ưng ý con gà trống của bác Tạo...
Cả làng rùng mình. Thì ra là vậy! Lao xao một lúc rồi lại lắng nghe tiếp đoạn kết của giấc mơ bác Tạo...
Trong lúc bác Tạo tuyệt vọng nhất, chợt một người đàn ông mặc đồ đỏ bước ra chặn bác lại, gáy một tiếng, con ma nữ phía sau bỗng dưng biến mất. Người này nói với bác rằng bác đã động vào đất thiêng, rằng bác vong ân phụ nghĩa, vì chính người này và con ma nữ lúc nãy dựa trên mảnh đất này giúp bác có được cơ nghiệp ngày hôm nay, duyên 2 người tới đây là hết. Nói xong tự nhiên biến mất. Bác Tạo giật mình dậy, thấy ông bạn đang nằm sóng xoài trên nền nhà. Điện đã có từ bao giờ. Giật mình hơn là trên tay bác đang cầm một sợi lông gà màu đỏ tía!
Sau bác đưa sợi lông gà lên cho một thầy pháp cao tay, thầy này đốt đi lấy tro pha vào nước bảo bác uống. Uống xong bác Tạo nôn, nôn ra toàn là thóc. Theo lời ông thầy, bác đem bán gia sản trả lại cho làng, cạo đầu đi tu, pháp hiệu là Vô Khánh.
Hai năm sau bác mất, em còn nhớ năm đó là khoảng năm 2007 thì phải, năm đấy em vừa vào lớp 10. Nghe đâu lúc hỏa thiêu người ta nghe thấy tiếng gà gáy văng vẳng...
***************
Part 3: Cô P.
Vậy là mọi chuyện đã xong. Con gà tinh biến mất khỏi làng biệt tăm biệt tích, ít ra là đến bây giờ em chẳng nghe ai nói gì về nó nữa các bác ạ. Sau đợt lạm phát đầu năm 1999, 2-3 năm sau, khó sống, dân làng tản đi tứ xứ làm ăn, chỉ còn một số người giàu tình cảm, không nỡ bỏ quê ở lại. Nhiều nhà chuyển đến, cũng có nhiều người là con cháu, mong muốn quê mình phát triển, bỏ chốn thành thị xa hoa quay về cống hiến cho quê nhà. Quê em giờ đây khác xưa nhiều, đêm đêm cứ nghe nhạc xập xình ở tận đâu đâu, chạy ra đầu ngõ ngó quanh quất chỉ nhận ra được vài người quen. Mà kín cổng cao tường lắm. Người ta chuyển tới, làm bữa tiệc, đi thăm làng xóm 1-2 lần gì đó là thôi, chẳng ai thèm duy trì tình làng nghĩa xóm. Bây giờ mà hỏi cậu 3 xem nhà bên kia là nhà ai thì đố cậu biết được. Thành thị hóa rồi!
Nhưng cái thuở ấy còn ít, tức là mới chỉ vài người đi, và vài người đến. Trong số những người dọn đến có một người phụ nữ ôm theo một đứa bé, ở trong một túp lều nhỏ dựng cạnh sông Tam Quan. Cô tên P, rất xinh, là dân Quy Nhơn. Cô rất kín tiếng, sống trong làng nhiều người còn chả biết cô là ai. Sau vì vài nguyên do, người ta mới biết, cuộc đời của cô là một chuỗi đau thương và bất hạnh...
Cô P là dân gốc Huế, từ nhỏ theo ba mẹ vào Quy Nhơn sống. Cô là con một, gia đình lại thuộc dạng khá giả nên tuổi thơ trôi qua khá êm đềm. Năm 21t, bất hạnh ập xuống gia đình cô: Ba mẹ cô bị tai nạn xe hơi! Mẹ mất, ba thì liệt nửa người dưới, thần kinh bất ổn lúc tỉnh lúc mê. Năm đó cô đang học năm cuối ĐHSP Quy Nhơn, nghe hung tin cô phải bỏ học để chăm sóc cho ba. Ban đầu viện phí của ông nhiều lắm, cũng may là có trợ giúp của cơ quan ba mẹ, họ hàng, bạn bè... kèm theo bán đi căn nhà ba mẹ cô tích góp bao nhiêu năm mới mua được, mới giữ được ông. Còn dư một ít, cô thuê tạm căn nhà nhỏ, tiếp tục đi học nốt phần dở dang. Nhưng miệng ăn núi lở, tiền thuốc men, tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt v...v... Loáng cái số tiền dành dụm chẳng còn bao nhiêu. Nhưng không sao, luận án tốt nghiệp cũng xong rồi. Giờ chỉ còn đợi bằng TN thôi. Cô giấu ba, để tạo sự bất ngờ cho ông. Ai ngờ...
Người cha tuy rằng không còn được minh mẫn, nhưng khi tỉnh táo ông vẫn biết được hoàn cảnh bây giờ. Ông không còn kiên nhẫn và nghị lực muốn sống tiếp. Giống như nhiều người thường nói, sống mà như chết. Ông không muốn làm gánh nặng cho con gái. Thế là một buổi tối, người ta thấy cô con gái khóc đến lả người bên vũng máu, xác người cha đã lạnh ngắt, trên tay còn vết cứa bằng dao gọt trái cây kèm theo mảnh giấy "Ba yêu con, con gái của ba".
***************
Cầm tấm bằng ĐH trên tay cùng hơn 10tr còn lại, cô gái 22 tuổi quyết tâm vào SG lập nghiệp. Hành lý của cô vỏn vẹn chỉ là 1 túi đồ cá nhân cùng một tấm ảnh gia đình ngày xưa...
Vào SG, nhờ một người quen cũ của ba, cô P được vào làm ở một công ty vận tải. Cuộc sống khó khăn, đồng lương ít ỏi, phải tằn tiện mấy năm trời cô mới tích cóp được chút tiền, định ra ngoài kinh doanh. Nhưng ông trời luôn thích trêu người, cô P ngã bệnh, chạy chữa thuốc thang hết sạch! Cầm tờ giấy ra viện mà nước mắt chỉ chực chớm ra ngoài. Đúng lúc ấy thì T, một đối tác cũ của công ty cô xuất hiện mang theo một viễn cảnh tốt đẹp về tương lai, mở ra cho cô bé 24-25 tuổi đầu chưa có nhiều kinh nghiệm một cánh cửa tới thế giới toàn màu hồng. Cô yêu hắn, và sau 1 thời gian, cô có bầu...
Dài dòng quá, thôi em xin tóm tắt lại là sau khi dính bầu thì thằng sở khanh này kiên quyết bảo cô nạo, cô ko chịu v...v... và động chạm gì đó đến lòng tự trọng của ng con gái nên sinh xong cô bỏ việc, xách hành lý về quê. Về QN cô lại được một ông bạn của ba tuyển vào làm thư ký, trong 1 lần đi tiếp khách cô đã bị chuốc rượu và bị ép tiếp khách cho sếp, từ đây cô P mới hiểu được tâm địa con người, cô muốn tránh xa cái thế giới tởm lợm này, nên cô đi tìm nơi nào vắng vẻ, và cô về Tam Quan...
***************
Hàng ngày mọi người vẫn đi qua túp lều nhỏ ấy, vẫn nghe tiếng hát ru của người mẹ trẻ. Giọng hát ngọt ngào nhưng nao lòng. Cô P ít khi ra ngoài. Cô ở nhà chăm con và may vá. Cô vá rất khéo, nhìn không ra vết vá đâu! Cứ đến tầm chiều tối là cô bế con ra chợ mua thức ăn. Mọi người ai cũng muốn ôm thằng bé nhưng nó nhất quyết không chịu. Á cái dcm, mày không chịu à, bố cứ giằng mày ra đấy thì sao? Đừng tưởng bở, thằng nhóc khôn lắm. Nó khóc ré từ trước khi tay anh chạm vào nó cơ. Và cứ lúc ấy thì cô P lại ôm rúc nó vào lòng dỗ kèm theo cái nhìn sắc lẹm. Bố anh nào dám động tới ông trời con, nhé.
Thời gian như thể thoi đưa, thấm thoát cũng đã 4 năm. Thằng cu con cô P cũng đã biết đọc. Nhưng giống cô, chưa có ai thấy nó ra ngoài chơi với lũ trẻ hàng xóm. Chỉ quanh quẩn ở nhà. Ai tới thì nó chào, hỏi thì nó cười cười. Người ta khuyên cô P nên cho nó đi chơi với đám nhóc, cô cũng lắc đầu cười buồn. Nói không được, thế là cho tụi nhóc sang nhà cô P chơi. Sang đến nơi đứa nào cũng khóc ré, chạy tán loạn. Cô P cũng chỉ cười, vẫn cái điệu cười buồn quen thuộc...
Gần nhà cô P có thằng Lao, mới chuyển về làng. Cũng chẳng rõ tên nó viết như thế nào, đọc sao thì viết vậy thôi. Nghe nói thằng này là người dân tộc, dân bản cho nó xuống miền xuôi học cái chữ, nhưng thằng này không học được, mà chỉ học được cái xảo trá của người xuôi đem về lừa gạt mọi người. Thế là nó bị đuổi. Thằng này thì được cái cao to đen hôi, làm việc như trâu, nhưng đểu. Nó thèm thuồng cô P lâu rồi, ý nó ai cũng hiểu. Dưới này đâu ai khờ như dân trên bản? Nó có đểu thì chỉ đểu được với người ngu hơn nó thôi. Cũng không dưới chục lần thanh niên trong làng dằn mặt nó, bảo tránh xa cô P ra, nhưng chứng nào tật nấy. Hôm ấy nó nhậu say, một ông trong làng cũng bí tỷ rồi, theo kiểu "3 say chưa chai", dắt về. Qua nhà cô P, nó quay lại táng cho ông này một cú bất tỉnh. Chẳng ai biết nó đi đâu cho đến sáng hôm sau, người ta tìm được xác nó trôi theo dòng Tam Quan...
Tối cái hôm thằng Lao chết, người làng cho dù ở mé trong, cách nhà cô P gần 1km, cũng nghe được tiếng ru não nề của cô...
Công an về điều tra không phát hiện được gì.
Bắt đầu từ đây, hàng loạt vụ chó mèo mất tích trong làng. Người ta bảo: Cứ ra dòng mà tìm. Đúng thật, xác vẫn trôi trên dòng Tam Quan...
Mọi người đồn ầm lên rằng có Hà Bá. Mời sư cụ A về, nhưng ông đang bệnh, thế là lập đàn cúng bái rầm cả lên, mời thầy này thầy kia về, lúc đấy em còn nhỏ nên chẳng để ý nhiều, chỉ biết là bụng ông nào cũng phệ!
Nhưng mọi người đã nhầm. Từ đợt đó, con nít lảng vảng gần sông cũng bị mất tích, mấy ngày mới về. Đứa nào cũng ngơ ngẩn, hỏi gì cũng không trả lời...
Người ta ra khuyên cô P nên chuyển vào trong làng, nhưng cô lắc đầu. Vẫn nụ cười buồn.
Bây giờ thì sự hoảng sợ đã lan rộng ra cả làng. Ai cũng sợ Hà Bá. Thậm chí có người còn thả gà thả bò xuống sông để tế.
Dạo đấy, ông ngoại em thường mộng mị. Ông hay thấy một người phụ nữ ẵm theo một đứa nhỏ, khóc với ông: Con khổ quá. Con đau quá. Giật mình tỉnh dậy, mấy đêm liền cùng một giấc mơ khiến ông không khỏi liên tưởng đến mẹ con cô P...
Lần này ông ngoại gọi ông Ba về. Ra đến bờ sông, ông Ba chỉ vào lều cô P, la lên: Đúng nó rồi! Nói đoạn ông rút bùa đã chuẩn bị sẵn ở nhà, bắt đầu dán lên 4 góc lều. Ông ngoại thấy ông Ba trừ tà không phải chỉ một hai lần, nên kéo lại bảo: Mẹ con nhà nó không xấu đâu... đừng tuyệt đường chúng nó. Ông Ba nhìn căn lều một lúc lâu, thở hắt ra, rồi tháo mấy tấm bùa, dặn ông ngoại gọi sư cụ A về siêu độ...
Khi quay đi, cả ông ngoại và ông Ba đều rùng mình. Tiếng ru ai oán lại cất lên...
Cái kết thì mọi người chắc ai cũng đoán ra, ông ngoại em mời sư cụ A về làng làm tràng siêu độ, cuối cùng không ai nghe được tiếng ru ấy thêm lần nào nữa...
Vài ngày sau, công an trên tỉnh xuống làm cuộc điều tra. Dựa theo mô tả thì họ kết luận: Cô P và cháu bé đã mất trong một vụ tai nạn giao thông trên chuyến xe khách từ QN về Tam Quan 4 năm về trước...
Nửa năm sau, ông ngoại em từ trần, hưởng thọ 81 tuổi. Ông Ba nói vì lúc còn sống ông tiếp nhận quá nhiều âm khí, sống được đến tuổi này đã là hay rồi.
Trong đám tang ông, xen lẫn tiếng khóc là tiếng gà gáy và tiếng hát ru ai oán...
***************
Part 4. Cô giúp việc.
Ông Ba, tên thật là ông Ba Hinh, họ Trần. Thuở nhỏ được ông cố ngoại giới thiệu với ông cố nội của em xin học cụ Dương Khả. Theo cụ dăm ba năm, ông được cụ quý nhất trong mấy người học trò. Nhưng tâm tư ông Ba không nằm ở văn võ. Ông thích nhất là tìm hiểu mấy điều huyền bí. Cụ Khả đành gửi ông cho một vị thầy pháp có tiếng thời đó, ông theo học mấy năm thì vị này mất, để lại rất nhiều sách quý (trong đó có 2 bộ Tam Quốc Chí và Tam Quốc Diễn Nghĩa em đang giữ nhưng mà giữ ko tốt, rách teng beng ).
Ông Ba quyết tâm theo đạo. Sau khi ma chay cho thầy, ông về gặp cụ Dương Khả, thăm gia đình, rồi khăn gói đi biệt hơn 20 năm. Đến khi về nhà, ông chuyển sang làm văn nghệ, rồi làm gỗ...
Câu chuyện em sắp kể dưới đây là được mẹ kể lại, mẹ cũng nghe ông Ba kể thôi, nên chắc là không chính xác lắm, nhưng cứ gõ lên đây cho mọi người xem
Lại nhắc thời ông Ba chưa đi theo cụ Khả. Ông nổi tiếng là bướng trong làng. Thằng nào vô phúc trêu phải ông, cho dù tụi nó có kéo đến chục thằng đi nữa cũng chẳng kiếm được ông. Để rồi sau đó vài ngày từng thằng phải đi khám thầy lang. Ông Ba lý luận: Quân tử phải biết mềm biết duỗi, biết rõ là chết mà vẫn cứ lao vào là ngu! Ông còn nổi tiếng là không sợ trời sợ đất. Năm ông 7 tuổi, có lần bị ông cố đuổi đi vì đánh nhau, ông chui vào cái miễu được cho là linh nhất vùng. Nằm trong miếu đói bụng cồn cào, ngó lên thấy lễ cúng của dân, ông leo lên chén cho bằng hết rồi lăn ra ngủ. Sáng lại mò về nhà.
Người ta bảo ông Ba vía to, ông cãi: Trên đời làm gì có ma! Chẳng ai nói được ông. Đúng thôi, ông Ba từng ngủ qua đêm ngoài nghĩa địa, từng chén sạch thức ăn trong miễu thiêng mà chả có chuyện gì xảy ra cơ mà! Thôi kệ mày, đến khi gặp rồi đừng có khóc! Ông Ba cười cười: Không sợ! Cùng lắm đái ra vẩy lung tung là được mà! Chẳng ai thèm chấp với con nít cả, chỉ biết lắc đầu ngao ngán...
Năm đó, bà cố sinh người con thứ 8 (Ông Ba là thứ 7 còn bà ngoại em là thứ 4). Ai cũng bận rộn, chạy đôn chạy đáo lo cho đứa nhỏ. Ông Ba chắc cũng biết, nên thời gian này cũng không có nháo sự, chỉ ở nhà chờ gặp em. Hồi đó người ta kỹ lắm các bác ạ, trẻ con sinh ra không gặp người ngoài, không gặp người kỵ tuổi, không gặp người bệnh tật v...v... Chả biết tại sao ông Ba lại không được vào gặp em. Thế là phải chờ thôi, nghe nói là bảy bảy bốn chín ngày mới được vào...
***************
Rào... rào...
Mưa to quá! Lấy quần áo vào! Lấy thùng hứng dột, đem gạo để lên cao! Con L. đâu, chạy sang bà xem thế nào. Thằng B. làm gì chậm như rùa vậy? - Ông cố hét. Mưa mà nổi bong bóng thì còn lâu mới dứt. Mà mưa to quá, khéo tầm nửa canh giờ nữa là ngập lên tới nền nhà. Mẹ nó, năm nay hết hạn rồi lụt, liên miên thế này, có còn cho người ta sống nữa không? - Con H, con H đâu? Có thấy con H đâu không? Đã trông em còn chạy lung tung, ái chà cái con này, về đây thì biết mặt!
H là người làm trong nhà, cũng có 3 đứa con, nên ông cố bảo cô giữ em, bà còn yếu. Cô chăm sóc rất tốt nên bà cố rất quý cô. Sớm nay, cô nhờ bà cố trông dùm đứa nhỏ, bảo là đi vệ sinh. Kỳ lạ. Đến xẩm tối vẫn chưa thấy mặt mũi đâu. Ông cố tức xì khói, gọi người làm kiểm tra mọi thứ trong nhà xem có mất mát gì không. Ông nghi cô H ăn trộm rồi chuồn. Ông tức lắm. Đối xử với kẻ hầu người hạ thì ông cố không có vấn đề gì, thế mà có người phản! Nói đến đây có vẻ hơi cực đoan, nhưng sự thật, gia đình địa chủ thời xưa rất phong kiến, kẻ hầu người hạ khi đã bán thân vào, tức là sống chết ở chủ, pháp luật cũng không giải quyết. Chưa nói có ăn cắp hay không, riêng việc bỏ đi không nói tiếng nào cũng đã là thách thức quyền uy của ông cố.
Ơn trời, không mất gì cả! Ông cố đâm ra đăm chiêu. Nó không ăn cắp, vài ngày nữa là được lấy lương. Thế thì tại sao nó đi, nó đi đâu? Liệu có bị tai nạn gì không? Thế là lần nữa, đám người làm trong nhà lại nháo lên, đội mưa chạy đi kiếm xung quanh. Lúc này mưa vẫn còn nặng hạt, nước ngập lên đến đầu gối. Chẳng có tin tức gì của cô H. cho đến 4 ngày sau...
Nhà cố ngoại em tuy là địa chủ, nhưng nhà cửa cũng chỉ hơn được người dân ở cái rộng, cái này thì thời đó ở quê đất đai thênh thang, và chắc. Cũng làm nông, cũng nuôi heo. Cái chuồng heo nằm ở phía sau nhà, gần sông, kế bên là mấy cái nhà cầu nằm trên sông. Bác nào ở quê chắc cũng biết cái nhà cầu này, ngoài em thì gọi là nhà cầu, miền Tây gọi là cầu cá Tra, hôm nào lụt nước dâng cao, ngồi không cẩn thận cá nó nhảy lên đớp phát thì phải biết
Bữa đó mưa đã tạnh hoàn toàn, cũng le lói nắng rồi. Tối, ông cố mở kèo nhậu,
kéo đám gia đinh trong nhà chè chén, còn trách cô H. đi không báo được một tiếng. Chẳng nói được, cơ bản chẳng ai nghĩ cô H. gặp nạn cả, mà chỉ nghĩ rằng chắc là có chuyện gấp gì đó ở nhà nên cô chạy về. Ông cố ngoại cũng đã gửi tiền lương về nhà cô, coi như có chuyện gì thì còn có mấy đồng xoay xở.
Tiệc tan, ông Ba mắc tè, chạy ra phía sau nhà. Vừa kéo quần xuống, đột nhiên ông ớn lạnh. Đừng nói ông Ba mới 7 tuổi mà không biết gì. Ông thông minh và già trước tuổi nhiều lắm. Tuy rằng chưa được như người lớn, nhưng ít ra vẫn phân biệt được cái cảm giác ớn lạnh nó ra làm sao. Ngó ra phía sau, không có ai. Ngó quanh quất, đột nhiên ông không kìm được phải tè ra ngoài. Một người toàn thân đen thui đang đứng ở cái cột chuồng heo, nhìn ông cười he he! Cái giọng cười ấy ông Ba có lẽ chẳng bao giờ quên được! Hoảng hồn, ông hét ầm lên. Mọi người chạy ra đến nơi thì ông đã không còn thấy bóng người ấy...
Sáng hôm sau, mọi người trong làng cười phá lên khi nhắc đến ông Ba với con "ma Heo". Nó xuất hiện ở chuồng heo, thì gọi là "ma Heo" chứ sao? Mọi người cười là thằng nhóc trước giờ không biết sợ là gì, giờ đã són dái chưa? Chẳng ai quan tâm đến việc có ma thật hay không. Dù gì nó cũng chỉ là thằng nhóc con, thần hồn nhát thần tính thôi.
Đến tối, vào khoảng giờ Tý, ông cố mắc tè. Ông chạy ra cái chỗ ông Ba tè đêm hôm trước. Ầy, thật thoải mái nha! Trăng thanh gió mát, giờ mà có đĩa dồi chó với xị rượu thì nhất! Vừa giải quyết, ông cố vừa nghĩ vơ vẩn. Chợt tim ông như đứng lại. Một tiếng gọi, rất quen, vang lên: "Chú Bảy!"
***************
Rõ ràng đây là giọng con H.? Nó làm gì ở đây? Làm gì giờ này? Chợt ông nhớ đến con "ma Heo" mà ông Ba gặp đêm qua. Đến giờ phút này thì lông tóc ông bắt đầu dựng lên. Ông cố run run nhìn qua phía phát ra tiếng gọi. Quái, không có ai?
- Chú Bảy!
Ông cố giật mình nhảy dựng lên. Tiếng gọi từ phía sau lưng mình. Rất sát, cứ như nó kề vào tai mình vậy. Ông quay lại nhìn, thì trời ơi! Một người phụ nữ trên người trát đầy cứt lợn, đang cầm một đống cứt được nặn thành hình cái bánh Ít *, miệng nói: Chú Bảy, ăn bánh Ít nè, bánh ngon lắm. Kèm theo tiếng cười ghê rợn.
Đến giờ thì ông không nói gì được nữa rồi. Miệng hét không ra tiếng. Ông lùi lại từng bước đến khi cô H. đưa cái "bánh Ít" đến gần... Đột nhiên, không biết lấy sức mạnh từ đâu, ông đạp cô ngã chúi dụi! À há, mày cũng như người bình thường thôi, ông sợ đếch gì mày? Mà con ma này không sợ xú uế, tức là vốn bản thân nó đã xú uế. Nghĩ vậy, sẵn thùng nước để sẵn rửa tay, ông tạt luôn vào người cô H. Phải công nhận là ông cố nhanh trí. Cô H. chợt ré lên một tiếng, rồi lăn ra bất tỉnh. Ông cố ngồi phịch xuống thở hổn hển, lại có một cái cảm giác kỳ lạ không giải thích được. Chợt, ông run run. Có người đang ở phía sau mình! Đang sợ hãi thì mấy người làm chạy ra. Người ta nghe thấy tiếng ré của cô H. Cái cảm giác có người ở phía sau tự dưng biến mất. Ông cố thở phào nhẹ nhõm...
***************
Mọi người đưa cô H. vào nhà tắm rửa, chữa trị, vì cô còn thở. Ghê nhất là miệng cô ngậm đầy phân heo, phải cạy miệng ra để súc. Thời đó làm gì có bàn chải đánh răng, chỉ có than thôi, nên có hơi khó khăn, nhưng cuối cùng cũng xong. Cô H. hôn mê 3 ngày, đến ngày thứ 4 thì tỉnh dậy, đòi gặp ông cố. Cô khóc ròng, kể lại...
Hôm đó cô đi ra nhà cầu đi vệ sinh, chợt đi đến nơi cô thấy có cái gì chói sáng trong chuồng heo, nghĩ là đồ vật người trong nhà làm rớt nên cô đến nhặt, ai dè tự dưng có giọng nói hỏi cô có muốn ăn bánh Ít không. Lạ, cô H không cảm thấy sợ hãi gì cả, dường như lúc đó cô bị nhập rồi, nhưng vẫn khá tỉnh táo việc mình làm. Cô trả lời có, người đó đưa bánh ít cho cô, dặn cô phải ở trong nhà. Chợt cô thấy mình như đi vào thế giới khác. Một căn nhà rộng rãi, bánh Ít thì sắp đầy trên sàn. Cô cứ lấy bánh Ít ăn... cho đến ngày hôm trước, thấy cậu Bảy (tức ông Ba) ra đó, cô tính chạy ra gọi cậu vào ăn bánh Ít, nhưng cậu hét ầm lên, nên thôi...
Nói xong, cô H. hộc máu lăn ra chết. Ông cố run run, gọi người vào lo hậu sự cho cô H., vừa nghĩ, nếu đúng là thế thật thì ở đó có ma. Chắc chắn là cái đồ vật cô H. trông thấy là ngọn nguồn. Nghĩ vậy, ông quyết định sáng sớm mai phải đi mời thầy về giải nạn.
Trên đời lắm việc người ta gọi là duyên, đúng lúc ông cố bước ra khỏi nhà thì cụ Dương Khả đến chơi. Dòng họ Dương và dòng họ Trần trước nay giao hảo với nhau, rất thân thiết. Cụ Khả là bạn thâm giao của cụ cố ngoại, nên cũng hay qua thăm hỏi. Hôm nay có việc đi ngang, cụ tiện thể tạt qua nhà ông bạn già. Vừa bước tới cổng, đã thấy ông cố lòm khòm bước ra, nhìn cụ Khả, mắt sáng như hai ngọn đèn, lao tới kéo về phía sau nhà. Cụ Khả đành bước theo, lẩm bẩm: Bệnh, bệnh nặng...
Nhưng vừa đến nơi, cụ Khả liền nghiêm túc. Cụ bước ngay vào trong chuồng heo, không ngại bẩn, cụ mò mò dưới sàn một lúc, móc lên một chùm chìa khóa, ném cho ông cố, rồi bước lên nhà trên. Ông cố cũng chẳng dám ở lại, rửa sơ chùm chìa khóa, đoạn chạy theo cụ Khả.
Cụ Khả đoán là oán linh nằm trong chùm chìa khóa này, tuy không biết nó mở cánh cửa nào, nhưng nên hủy đi. Nghe vậy ông ngoại liền chạy ra lò rèn gần nhà, ném luôn vào lò. Từ đấy, gia đình phía ngoại em không còn gặp chuyện gì nữa cho đến đời ông ngoại em phát sinh chuyện mợ 2 em đã kể.
Đến tối, cụ Khả cáo từ, ông Ba chạy theo giữ rịt cụ, đòi học phép bắt ma. Ông cố há họng lắc đầu, cụ Khả thì cười ha hả.
Ông Ba theo cụ Khả đi khắp nơi. Sau không rõ vì lí do gì, cụ Khả gửi ông cho thầy khác. Biệt tăm gần 30 năm, ông quay về, mang theo một chuyện đời li kỳ...
Từ khóa:
Truyện ma